Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn động vật hoang dã: Phù hợp xu hướng, thận trọng triển khai
Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đang là xu hướng ngày càng được chú ý. Song không dễ để mở “kho báu” này một cách bền vững.

Doanh nghiệp du lịch ký cam kết chung tay bảo tồn động vật hoang dã. Ảnh: Q.T

Doanh nghiệp du lịch ký cam kết chung tay bảo tồn động vật hoang dã. Ảnh: Q.T

 

Tiềm năng nhiều, sản phẩm ít

Thông tin tại hội thảo “Du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã” diễn ra hôm qua 26/9 tại TP.Hội An, cả nước hiện có 33 vườn quốc gia, 57 khu dự trữ thiên nhiên, 13 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 53 khu bảo vệ cảnh quan và 9 khu dự trữ sinh quyển. Tại Quảng Nam có 1 khu dự trữ sinh quyển, 1 vườn quốc gia, 2 khu bảo tồn loài và sinh cảnh.

 

Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, một số loài động, thực vật hoang dã đặc hữu nhất có tiềm năng để góp phần tạo ra sản phẩm du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn có thể kể đến gồm: voọc chà vá chân xám, voi, sao la, khướu Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh, pơ mu…

 

Ở Quảng Nam, loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với thiên nhiên thời gian qua đã dần được phát triển ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An nhưng sản phẩm cũng chưa cụ thể.

 

Còn lại, tại Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh sao la, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam hoạt động du lịch vẫn chỉ dừng ở mức khảo sát tiềm năng.

 

Thậm chí tại Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa thế giới Mỹ Sơn, một địa điểm hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy loại hình du lịch này thì mọi thứ vẫn chỉ nằm trên kế hoạch.

 

Khu bảo tồn động vật bán hoang dã ở VinWonders Nam Hội An rất được du khách yêu thích. Ảnh: Q.T

Khu bảo tồn động vật bán hoang dã ở VinWonders Nam Hội An rất được du khách yêu thích. Ảnh: Q.T

 

Vườn quốc gia Sông Thanh (nằm trên địa bàn 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn) được xem là một trong những địa điểm lý tưởng nhất để thúc đẩy loại hình này.

 

Ông Tào Quý Tâm - Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh thông tin, tại Vườn quốc gia Sông Thanh đã quy hoạch 7 điểm tham quan, du lịch ưu tiên phát triển gồm: lòng hồ Khe Vinh, thượng nguồn Sông Thanh, vườn thực vật, vườn dược liệu, trung tâm du khách, cầu treo xã Tà Bhing và dọc sông Ring.

 

Định hướng các loại hình du lịch chính sẽ gồm: du lịch sinh thái, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sức khỏe… Nhưng đến nay vẫn chưa có hoạt động du lịch cụ thể và rất chào mời các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch tiếp tục xúc tiến, khảo sát sản phẩm.

 

Thận trọng khai mở

Hiện nay hoạt động du lịch sinh thái tại rừng đặc dụng, khu bảo tồn, vườn quốc gia thu hút hơn 2 triệu lượt khách, đóng góp doanh thu hơn 100 tỷ đồng, một con số còn khá nhỏ bé trong ngành du lịch Việt Nam.

 

Ông Hoàng Hoa Quân - Phó Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Cục Du lịch cho hay, nguyên nhân là bởi lĩnh vực này mới được thúc đẩy trong thời gian gần đây, thêm nữa tại Việt Nam tính đa dạng sinh học của các loài động vật hoang dã cao nhưng mức độ đa dạng của các cá thể trong từng loài không cao, ít thấy và trải nghiệm ở thực tế được dẫn đến không dễ dàng để gắn với hoạt động du lịch.

 

Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, hoạt động du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã sẽ đóng góp đa mục tiêu về phát triển kinh tế, tăng cường giáo dục, cải thiện thể chất và tinh thần cho cộng đồng… nhưng cũng cần tính toán thận trọng bởi kèm theo đó là nguy cơ về suy thoái tài nguyên, vấn đề mạo danh khách du lịch để vận chuyển động vật hoang dã xuyên quốc gia hoặc mở rộng nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã… Việc vận hành du lịch ở lĩnh vực này cần được tuân thủ theo 4 khía cạnh gồm pháp luật, sức khỏe, sinh kế, đạo đức.

 

Theo ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, thời gian qua ngành du lịch cũng đã tích cực triển khai kêu gọi xúc tiến đầu tư, kết nối khảo sát du lịch liên vùng để thúc đẩy loại hình này nhưng kết quả chưa được như mong đợi.

 

“Định hướng của tỉnh là phát triển lan tỏa du lịch về phía tây, trong đó đẩy mạnh khai thác các điểm du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn nhưng không phát triển du lịch bằng mọi giá để tạo ra lợi nhuận mà phải khống chế lượng khách phù hợp bảo đảm cân bằng môi trường sinh thái, nâng cao sinh kế cho người dân gắn với hoạt động du lịch” - ông Sơn nói.

 

Dù không phải là hoạt động bảo tồn ngoại vi thuần tự nhiên nhưng tại VinWonders Nam Hội An (Thăng Bình) thời gian qua cũng đã tiến hành thiết lập và bảo tồn theo hình thức nội vi để có một khu bảo tồn các loài động vật bán hoang dã gắn với tự nhiên độc đáo và sản phẩm du lịch được du khách cực kỳ yêu thích.

 

Bà Trần Thị Ngọc Giàu - đại diện quản lý VinWonders Nam Hội An cho biết, VinWonders Nam Hội An hướng đến là một khu vui chơi văn hóa, trải nghiệm và bảo tồn. Trong 2 năm vừa qua đơn vị đã hỗ trợ cứu hộ cho một số loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh và đang xây dựng đề án thành lập một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, mở rộng khu động vật hoang dã để phục vụ trải nghiệm ấn tượng hơn nữa cho du khách trong thời gian tới.

 QUỐC TUẤN
Cùng chuyên mục
Thư viện video
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 66
  • Trong tuần: 0
  • Tháng hiện tại: 0
  • Tổng lượt truy cập: 2414